Cũng như bao làng quê khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng tôi xưa được ôm trọn bởi những luỹ tre xanh. Tự bao đời nay, cây tre vẫn hiên ngang trong gió bão như ý chí quật cường của người dân quê tôi, cả cuộc đời gắn bó với ruộng đồng, một nắng hai sương gửi hồn mình vào đất mẹ. Những luỹ tre xanh chạy dọc các con đường làng rủ bóng xuống che mát những mái nhà ngói đơn sơ. Tre xanh đã trở thành một mảnh hồn làng để ai đi xa cũng nhớ.
Tôi lớn lên dưới những bóng tre êm ả. Kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào in hằn dưới những gốc tre xanh. Nhớ nhất là những buổi trưa hè oi ả, bọn trẻ chúng tôi lại tíu tít rủ nhau mắc võng đánh đu kẽo kẹt dưới những gốc tre già. Hay những buổi chiều buộc trâu, trốn mẹ, ngồi đánh chắt, rồi bị đánh đòn bằng những chiếc roi tre. Có những buổi tối, mấy chị em theo cha cầm đèn pin đi kéo vó, nước ao ăn mòn cả những gốc tre non,… Ngày đó với tôi, những luỹ tre xanh chỉ đơn thuần để bọn tôi bẻ cành làm cần câu cá, hoặc lấy thân tre nhỏ làm cọc cắm trại mùa hè, cũng có khi là những chiếc mo tre làm quạt,.. Tất cả đều thật giản đơn trong suy nghĩ trẻ thơ.
Theo thời gian, tôi lớn lên rồi bước vào đại học. Kỷ niệm tuổi thơ, tôi gửi lại sau luỹ tre làng. Trong bài giảng của thầy, tôi gặp lại “cây tre” như những gì gần gũi nhất. Tôi đã nhận ra, những luỹ tre làng ấy không chỉ đơn thuần che mát tuổi thơ tôi. Tre gắn bó với vòng đời con người như những gì thân thiết nhất. Khi mới sinh ra, tre làm giường, làm chõng cho chúng ta nằm ngủ trong tiếng ru êm của mẹ, của bà. Lớn lên, tre trở thành những cây sáo cho đứa trẻ chăn trâu vi vút thổi mỗi khi chiều buông xuống. Tre làm chiếc cần câu, vó, bè, nơm, đó,.. để chúng ta bắt cá. Tre làm thành những thúng mủng, dần sàng, rổ rá, nong nia để chúng ta đựng đồ ăn thức uống. Ngay cả bữa ăn hàng ngày cũng không thể thiếu những đôi đũa, những chiếc tăm tre. Tre chữa bệnh cứu người mỗi khi đau ốm. Khi nhắm mắt xuôi tay, tre lại hoá thân vào những cán cờ, cán cuốc, chiếc gậy đưa tiễn ta trở về đất mẹ. Thiêng liêng biết mấy, ôi những luỹ tre làng!
Sau ngày ra trường, tôi lại trở về ngôi làng ấy. Tất cả đã đổi thay, những luỹ tre xưa, nay đã không còn. Con đường bê tông chạy xuyên khắp hang cùng ngõ hẻm. Những ngôi nhà mái bằng mọc lên thay nhà ngói, nhà tranh. Những dòng suy nghĩ chợt hiện lên trong tâm tưởng: không biết mai này, tụi trẻ nhỏ trong làng có biết đến cây tre? Một loài cây đã góp phần làm nên lịch sử, theo dấu cha ông qua các cuộc kháng chiến trường kỳ. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh. Tre hiên ngang, bất khuất mà kiên trì, nhẫn nại như phẩm chất và cốt cách của người Việt Nam trong gian khó.
Nên chăng, chúng ta cần nhìn lại và suy ngẫm trước những gì đổi thay của quá trình hiện đại hoá. Những nhà máy, công trường đang xâm lấn cánh đồng xanh. Dòng sông xanh, ao làng cũng thay màu vì ô nhiễm. Hãy để những luỹ tre xanh mãi là biểu tượng của mỗi làng quê vùng Bắc Bộ. Để tre bảo vệ môi trường làng như bảo vệ quê hương.
(Tác giả: Hoa Xương Rồng
3 Phản hồi:
Cám ơn bạn nhiều!
Mình lại nhớ lại cái thời " chăn Trâu - cắt cỏ", hồi sưa vùng mình cũng có nhiều lũy tre làng. Trước cửa nhà mình cũng có bụi tre to lắm, hồi nhỏ bọn mình hay chơi ẩn, chơi đồ và thậm chí làm những tổ chim trên đó, buổi trưa thường chèo lên trên đấy ngủ.
Vào mùa hè, lá tre rụng nhiều ở dưới còn nghịch ngợm châm lửa đốt, mùa đông lạnh...! đi kiếm rau lợn, lá tre khô là người sưởi ấm, mùa thu, những lá vàng rơi sào sạc, tre lại hiện lên một vẻ khác, màu vàng da gà, vàng tía...Mình ở gần sông Hồng! Tre còn là người bảo vệ con đê " vạn lý trường thành"!
Nghĩ lại, thấy tuổi thơi mình cũng có nhiều kỉ niệm với những người bạn " tre".
Xin cảm ơn
Vô tình đọc được bài cảm nhận của bạn mà thấy buồn lòng quá, giờ đi về miền quê nào cũng nghe nói đến kế hoạch hiện đại hóa, rồi đô thị hóa...các thứ, dần dần những vùng quê mát mẻ với những tán cây xanh rì ngày nào được thay bằng những tòa nhà cao tầng, xí nghiệp, nhà máy...Dù thấy tiếc nhưng vì sự phát triển của đất nước nên mình cũng không làm gì được :(
Đăng nhận xét