(Dân trí) - Vừa thấy có tai nạn, nhóm người hớt hải chạy đến, hỏi tới hỏi lui, loanh quanh toàn những câu liên quan tới con số: Nạn nhân bao nhiêu tuổi? Biển số xe bao nhiêu? Dép nạn nhân số mấy?... Tất nhiên nhóm người này không quan tâm đến sự sống chết của nạn nhân…
Một vụ tai nạn giao thông thương tâm vừa xảy ra trước cây xăng Ngọc Diệp (số 2 xa lộ Hà Nội, quận Thủ Đức, TPHCM). Xe container mang BS 65N-1811 kéo theo đầu kéo mang BS 65R-0135 do anh Lê Văn Tiên (29 tuổi) điều khiển, lưu thông từ hướng ngã tư Thủ Đức về cầu Sài Gòn, đến địa điểm trên thì có một xe mô tô BKS 53X6-5269 do một người đàn ông điều khiển vượt lên. Trong khi vượt, chiếc xe máy và người điều khiển bị cuốn vào bánh sau của chiếc xe container, người điều khiển xe máy dính vào khe giữa hai bánh sau xe container, bị kéo đi gần 15m, tử vong tại chỗ.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, rất đông người tập trung tại hiện trường, một phụ nữ chạy lại tay cầm nắm nhang đốt cho người xấu số, kèm theo đó là mấy tờ tiền mệnh giá từ 2.000 đến 10.000 đồng. Xung quang chị này có mấy người đứng lố nhố ngó nghiêm kiếm tìm những… con số.
Không phải người phụ nữ đang “cầu siêu” cho người xấu số mà đó là thủ tục xin số. Những tờ tiền cúng sau đó sẽ được chủ nhân lấy lại, hay còn gọi là “xin lộc”. Họ sẽ tìm những con số trong dãy số sê-ri tiền để… đánh đề.
Với những người chậm chân đến sau, không thể vào hiện trường “xin lộc” thì họ có cách khác để “săn số”. Đứng ngay bên tôi, một phụ nữ ngoài 50 mươi tuổi hỏi gấp: “Nạn nhân bao nhiêu tuổi? Nam hay nữ? Đọc dùm bác cái biển số xe…”. Tôi quay lại, ngạc nhiên nhận ra chính người phụ nữ này mấy hôm trước cũng hỏi tôi những câu tương tự ở một vụ tai nạn khác.
Bà cho biết tên là Bảy L, nhà ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. Bà kể, cách đây khoảng 4 năm, trong một lần đi làm, bà gặp vụ TNGT, “vô tình” nhìn thấy biển số của chiếc xe máy văng ra và nhớ những con số đó. Về nhà bà xúi mấy người hàng xóm mua vé số theo số đó, không ngờ họ trúng, tặng bà một số tiền nhỏ.
Từ đó về sau, bà L chuyển qua “nghề săn số” từ các vụ TNGT. Nghe ngóng ở đâu có tai nạn là bà tức tốc tìm đến hiện trường, ghi lại tất cả các con số có liên quan, thậm chí cả số giày, số dép của nạn nhân.
Trong một diễn biến của vụ TNGT xảy ra trước số nhà 1093 quốc lộ 1A, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. Khi chiếc xe tải mất lái lao thẳng lên lề đường đẩy cả tấn phế liệu vào một quán cà phê nằm sát bên rồi đâm vào một tiệm điện cơ gần đó, trong lúc mọi người đang khẩn trương hô hào nâng các thanh sắt nặng cả tạ ra để cứu người đang bị mắc kẹt bên trong thì lại có vô số người đứng ngoài bình thản ngó nghiêng ghi chép. Họ tranh thủ lúc cơ quan chức năng chưa kịp phong tỏa hiện trường để ghi lại biển số xe, số nhà, có khi cả số chứng minh thư của nạn nhân...
Khi hiện trường đã bị phong tỏa, nhiều người vẫn chạy đến hỏi ngược hỏi xuôi về các con số. Thấy chúng tôi đang ghi chép, 2 cô gái rất trẻ chạy lại hỏi tới tấp: “Số xe bao nhiêu vậy anh? Nhà số mấy, nạn nhân bao nhiêu tuổi?”. Chúng tôi không nói thì hai cô gái năn nỉ: “Anh làm ơn cho em đi, nếu mai vào mấy lô thì em tìm anh báo đáp, có mất mát gì của anh đâu, tại em không vào đó được nên mới hỏi anh”.
Theo lời một bác xe ôm, ở quận Thủ Đức có cả một xóm chuyên sống bằng “nghề săn số” từ các vụ tai nạn. Không biết các con số đó “linh” đến mức nào, chỉ thấy có người đã mất hết nhà cửa.
Một chiến sĩ CSGT quận Thủ Đức đang xử lý vụ tai nạn cho biết, mỗi khi ở khu vực có tai nạn là người dân tập trung lại rấy đông gây ùn tắc nghiêm trọng. Nhiều người dừng lại vì hiếu kì, cũng có một số lượng người khá đông tìm đến để “săn số”. Với họ, những con số khi đó có ý nghĩa hơn nhiều so với sự an nguy của nạn nhân.
Trung Kiên
0 Phản hồi:
Đăng nhận xét