Hệ thống các di tích lịch sử văn hóa của nước ta rất phong phú, đa dạng với khoảng 40 nghìn di tích trên khắp các vùng miền đất nước, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và năm di tích đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Hệ thống các di tích là nguồn tài nguyên văn hóa của đất nước. Các di tích là những địa chỉ văn hóa có sức thu hút đông đảo khách thập phương trong nước, quốc tế và ngày càng phát huy giá trị trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, các di tích ngày càng nhận được sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng trên mọi phương diện. Theo đó, những nhu cầu trong việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin về di tích Việt Nam cũng ngày một lớn.
Từ trước đến nay, các địa phương, các ngành liên quan và các cá nhân đã xây dựng được một hệ thống tư liệu khá phong phú và đồ sộ về di tích Việt Nam dưới nhiều hình thức: văn bản (hồ sơ lưu trữ, tài liệu nghiên cứu), bản vẽ (quy hoạch, kiến trúc), bản dập (văn bán, minh chuông, chi tiết chạm khắc), ảnh tư liệu... Những tài liệu này hiện đang được quản lý và lưu trữ tại nhiều đơn vị khác nhau như Cục Di sản văn hóa, Viện Bảo tồn di tích; các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa, Ban quản lý di tích ở các địa phương; các cơ quan chuyên ngành về nghiên cứu và bảo tồn di tích của trung ương và địa phương; các thư viện, trung tâm lưu trữ... Tuy nhiên, các tư liệu này còn tản mạn, chưa được tổng hợp, hệ thống hóa, chưa được tích hợp dưới dạng văn bản có khả năng bao chứa thông tin lớn như văn bản điện tử, nên dẫn đến việc tiếp cận và khai thác các thông tin này còn gặp rất nhiều khó khăn, gây trở ngại đáng kể cho công tác quản lý nhà nước cũng như việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di tích; chưa hỗ trợ được cho một số ngành khác như du lịch, giáo dục - đào tạo, chưa phát huy được giá trị của hệ thống tư liệu cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội về việc tìm hiểu, tra cứu các thông tin về di tích Việt Nam.
Chính vì vậy, việc chuyển hóa hệ thống hồ sơ, tư liệu quý giá đã được tích lũy qua nhiều giai đoạn khác nhau này thành cơ sở dữ liệu về di tích, với những công việc cụ thể bao gồm tổng hợp, hệ thống hóa, sắp xếp theo hệ tiêu chí để trở thành các dữ liệu phục vụ công tác khai thác thông tin về di tích là việc làm rất cần thiết. Mặt khác, những thông tin này cần được lưu trữ dưới dạng mới, có sức chứa thông tin lớn, có khả năng chia thành nhiều lớp thông tin, mà lại gọn nhẹ. Ðó là dạng tài liệu kỹ thuật số có thể đáp ứng đồng thời cả việc lưu trữ và tra cứu một cách hiệu quả.
Trước yêu cầu bức thiết của xã hội, Dự án Bản đồ di tích Việt Nam (đa phương tiện) do Viện Bảo tồn di tích, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng phối hợp một số cơ quan khác thực hiện đã bắt đầu khởi động. Ðây là dự án sử dụng nguồn vốn xã hội hóa dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sản phẩm của dự án là hệ thống bản đồ di tích Việt Nam với các hình thức phong phú, sử dụng phương pháp giới thiệu thông tin bằng công nghệ tin học với nhiều hình thức chuyển tải thông tin như văn bản, đồ họa, hình ảnh, âm thanh... Các sản phẩm cơ bản bao gồm: các tập bản đồ dưới dạng tờ treo, tờ gấp; các sách, ảnh, đĩa CD, đĩa VCD, DVD, website, xê-ri phim, chương trình truyền hình...
Bản đồ di tích Việt Nam được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa, truyền thông, kỹ thuật tin học. Ðây là một sản phẩm khoa học có chiều sâu về thông tin với các dữ liệu phong phú về di tích trên các phương diện: lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc, nghệ thuật... từ các nguồn tài liệu nghiên cứu di tích có tính xác thực và có độ tin cậy cao, đồng thời cũng là những sản phẩm văn hóa, tin học, truyền thông có sức hút lớn và có khả năng tiếp cận rộng rãi trong cộng đồng bởi tính cập nhật, dễ tiếp thu, hấp dẫn và trực quan.
Việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật tin học giúp sản phẩm tích hợp các lớp dữ liệu trên những kênh thông tin, những chuyên ngành khác nhau có liên quan đến di tích như di sản văn hóa, du lịch, an ninh quốc phòng, giáo dục - đào tạo, tôn giáo, môi trường... trên "nền" bản đồ. Các sản phẩm đầu ra được lựa chọn trên cơ sở nhu cầu xã hội, các đơn đặt hàng của các ngành liên quan có các cấp độ khác nhau về dung lượng thông tin cũng như độ chuyên biệt của thông tin.
Giai đoạn đầu của dự án sẽ cho ra mắt Bản đồ chùa Việt Nam, Bản đồ chùa Hà Nội và đặc biệt là xê-ri phim Hành trình chùa Việt cùng một số ấn phẩm khác. Ðây sẽ là những sản phẩm văn hóa có ý nghĩa đóng góp vào chương trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
Theo Báo Nhân Dân
0 Phản hồi:
Đăng nhận xét